Ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hai hướng điều tra nguyên nhân cá chết là chất độc do hoạt động xả thải của con người và tảo nở hoa.
Trong văn bản gửi Chính phủ và các Bộ hôm nay, Hội nghề cá đồng tình với nguyên nhân cá chết do chất độc, còn "tảo nở hoa nên bị loại trừ". "Những biểu hiện đặc trưng của hiện tượng này như lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển, cá tầng mặt chết hàng loạt, xác tảo dạt bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối... đều không được ghi nhận trong thực tế", văn bản nêu.
|
Nhiều tấn cá chết ở ven biển miền Trung. Ảnh: Đức Hùng.
|
Theo Hội nghề cá, giả thiết chất độc do con người gây ra thảm họa tương đối có cơ sở. Nếu cá chết do chất độc có nghĩa là toàn bộ sinh vật biển đã bị hủy diệt, trong khi người dân chỉ thấy sinh vật cỡ lớn và nổi lên mặt nước. Do đó, việc làm tiếp theo là xác định chất độc ấy tồn dư trong đất và nước biển bao lâu.
Trong khi chưa xác định được nguyên nhân, để sớm khắc phục tình trạng trên, Hội nghề cá kiến nghị các bộ chỉ đạo các tỉnh bố trí lực lượng thu gom cá chết để tiêu hủy, tránh tình trạng người dân tự gom cá đi bán hoặc chế biến thành thực phẩm.
Hội cũng đề nghị các bộ chỉ đạo địa phương thống kê thiệt hại, từ đó có chính sách hỗ trợ ngư dân.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có tới 35 tấn cá nuôi bị chết.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Tuy nhiên thông tin này vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
3 câu hỏi của Hội nghề cá với cơ quan chức năng:
Thứ nhất, tại vùng biển Kỳ Anh - nơi phát sinh cá chết đầu tiên có bao nhiêu đường ống xả thải ra biển, gồm cả đường ống công khai và do nhà máy tự làm có nước thải chưa qua xử lý?
Thứ hai, kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất được nhập về nhà máy Formosa đã sử dụng bao nhiêu và dùng vào mục đích gì. Sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?
Thứ ba, kết quả phân tích chất độc của mẫu ở cuối nguồn các ống xả và kết quả phân tích chất độc lấy từ mang và dạ cá có đi đến kết luận cá chết vì chất độc không?
"Nếu kết quả cho thấy cá chết không phải do độc tố, các nhà máy ở Kỳ Anh không thải ra chất độc hoặc có thải ra nhưng không làm chết cá, thì mới đi tìm nguyên nhân theo hướng khác".
|
Phạm Hương
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét